Gạo hữu cơ là gì? Gạo hữu cơ khác gì với gạo thông thường?

Gạo hữu cơ là gì? Gạo hữu cơ khác gì với gạo thông thường?

Các nội dung chính [Ẩn]

    Không chỉ chú trọng vào các loại thực phẩm hữu cơ như: rau củ quả, hay thịt cá, mà hiện nay, xuất hiện trong nhiều bữa ăn ngon, lành mạnh của người Việt và đang dần thay thế các loại gạo thông thường, còn có sự xuất hiện của các loại gạo hữu cơ dinh dưỡng như là một sự lựa chọn tất yếu. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ gạo hữu cơ là gì, và đôi khi chỉ với một vài nhầm lẫn nhỏ thôi cũng khiến bạn phải bối rối nếu phải phân biệt gạo hữu cơ với các loại gạo khác đấy nhé.

    1. Gạo hữu cơ là gì?

    Về cơ bản, gạo hữu cơ sẽ không có nhiều khác biệt so với các loại gạo thông thường. Thế nhưng, ẩn đằng sau những hạt gạo hữu cơ khỏe mạnh, mang đầy đủ tinh túy và dinh dưỡng cho cơ thể, lại là sự chuẩn hóa và chuyên biệt hoàn toàn về quy trình trồng trọt và chăm sóc từ đất đai, nguồn nước, phân bón, thậm chí cả quá trình thu hoạch.

    Cụ thể:

    Về đất đai

    Nếu gạo thông thường đất nào trồng cũng được, chỉ cần đủ dinh dưỡng, thì với gạo hữu cơ, cây lúa phải được trồng trên vùng đất đạt chuẩn, đã qua xử lý, không ô nhiễm, xa khu công nghiệp, bệnh viện, rác thải, không tồn dư hóa chất hay kim loại nặng... Nếu ruộng trước đó đã sử dụng phân bón hóa học thì cần được xử lý bằng cách bón phân hữu cơ vi sinh ít nhất 3 vụ liên tiếp. Song song với đó, nguồn đất cần đảm bảo giàu dinh dưỡng để cây lúa có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt nhất. Với những vùng đất có điều kiện khí hậu thuận lợi sẽ tạo ra những loại gạo hữu cơ không chỉ an toàn mà còn thơm ngon khó cưỡng.

     

    Về nguồn nước

    Không chỉ khác biệt ở chất lượng nguồn đất trồng, mà ngay cả đối với nguồn nước tưới, cũng là sự tương phản hoàn toàn giữa nguồn nước bơm từ sông, suối ao, hồ ở ruộng lúa thông thường so với nguồn nước cung cấp đảm bảo sạch, đã qua xử lý, không ô nhiễm như ở các ruộng lúa hữu cơ. 

    Để đảm bảo cho điều này cả đất đai và nguồn nước sẽ được kiểm định trước và trong quá trình trồng trọt bởi các tổ chức hữu cơ hàng đầu như tổ chức USDA của Mỹ và tổ chức EU của châu Âu.

     

    Về phân bón

    Nếu gạo thông thường phải sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu liên tục để đảm bảo năng suất tối đa thì gạo hữu cơ ưu tiên về chất lượng sản phẩm, mỗi ruộng lúa hữu cơ cần tuân thủ quy trình nói không với thuốc trừ sâu, chất kích thích, biến đổi gen và phân bón hóa học. Thay vào đó, người trồng lúa hữu cơ sẽ áp dụng các phương thức canh tác thuận tự nhiên, sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh để đảm bảo an toàn. Toàn bộ quy trình này sẽ được giám sát định kỳ để tránh xảy ra các sai sót.

    Đặc biệt, một số ruộng lúa hữu cơ còn áp dụng mô hình vuông tôm tự nhiên, 6 tháng trồng lúa, 6 tháng nuôi tôm. Tận dụng nước thủy triều để diệt sâu bệnh. Khi lúa thu hoạch sẽ tận dụng gốc rạ để nuôi tôm, ngược lại phân tôm sẽ là nguồn dinh dưỡng để trồng lúa.

     

    Quy trình thu hoạch

    Thay vì chú trọng vào năng suất như gạo thông thường, gạo hữu cơ ưu tiên phát triển hơn về chất lượng và độ thơm ngon, cho hàm lượng dinh dưỡng cao. Do đó, quá trình thu hoạch ở cả hai loại gạo cũng có không giống nhau. 

     

    Gạo hữu cơ sẽ được thu hoạch đúng vụ, 2 vụ mỗi năm, không làm trái vụ. Chưa hết, gạo thành phẩm không qua xử lý tẩy trắng, chất tạo màu, hương thơm, chất bảo quản. Gạo sẽ được trải qua quá trình kiểm định và chứng nhận mức độ an toàn, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn hữu cơ trước khi đến tay người tiêu dùng. Điều này không chỉ đảm bảo an toàn mà còn giúp gạo giữ được lượng dưỡng chất dồi dào, hương vị thơm ngon trong mỗi chén cơm được nấu ra.

     

    2. Gạo hữu cơ có phải là gạo sạch?

    Với một quy trình chăm sóc và trồng trọt chuẩn chuyên biệt như trên, hẳn nhiều người cũng sẽ dễ nhầm lẫn gạo hữu cơ là gạo sạch. Tuy nhiên, đối với những ai đã hiểu rõ gạo hữu cơ là gì, chắc chắn sẽ phân biệt được một vài điểm khác nhau cơ bản của hai loại gạo này như dưới đây.

     

    Cụ thể, gạo sạch là gạo được thu hoạch từ các ruộng lúa đáp ứng các tiêu chuẩn như tiêu biểu như VietGap. Theo đó, ruộng lúa cho ra đời gạo sạch vẫn sử dụng phân bón hóa học nhưng trong ngưỡng cho phép. Đặc biệt gạo sạch vẫn có thể được qua xử lý tẩy trắng nên hạt gạo thường sáng bóng thay vì màu trắng đục của gạo hữu cơ. Điều đáng nói là quy trình trồng trọt của ruộng lúa hữu cơ cho đến khi ra thành phẩm gạo hữu cơ được giám sát nghiêm ngặt, trong khi đó đối với gạo sạch, các quy định này không thực sự rạch ròi.

     

    Bên cạnh quy trình, gạo hữu cơ cũng khác với gạo sạch và gạo thông thường qua nhãn quan và cảm nhận của người dùng khi ăn. Gạo hữu cơ thường có màu trắng đục vì còn lớp cám bên ngoài, hạt gạo vừa không quá lớn. Đặc biệt, gạo hữu cơ giàu giá trị dinh dưỡng, nhiều chất xơ và các vitamin, không chỉ an toàn mà còn mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Khi sử dụng bạn sẽ thấy gạo hữu cơ mềm, dẻo dễ tiêu hơn so với gạo thường, nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy, gạo hữu cơ dễ thu hút côn trùng, do đó, gạo thường được bảo quản cẩn thận.

     

    Là thực phẩm sử dụng hằng ngày với tần suất lớn, được chế biến thành nhiều dạng thực phẩm khác nhau như bún, miến, phở, bánh tráng… Do đó việc lựa chọn nguồn gạo đảm bảo an toàn như gạo hữu cơ đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sức khỏe của bản thân và cả gia đình, nhất là trong thời buổi thực phẩm bẩn khó kiểm soát. Hy vọng với những chia sẻ trên đã giúp các bạn đã có cho mình đáp án về thắc mắc gạo hữu cơ là gì, từ đó có cái nhìn khách quan và lựa chọn đúng đắn hơn để đảm bảo an toàn.