Hướng dẫn bảo quản thực phẩm sau Tết không bị hỏng

Hướng dẫn bảo quản thực phẩm sau Tết không bị hỏng

Các nội dung chính [Ẩn]

    Thực phẩm sau Tết thường dư thừa khá nhiều, nếu không biết cách bảo quản chúng sẽ dễ bị hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc, thậm chí là gây ung thư. Chính vì vậy, để bảo quản thực phẩm tốt, an toàn cho sức khỏe, chị em đừng bỏ qua bài viết này.

    1. Bảo quản bánh, kẹo, mứt đúng cách

    Sau Tết bánh, kẹo, mứt thường là những thứ dư thừa nhiều, chúng dễ hỏng, mốc, chảy nước nếu không được bảo quản tốt. Để bảo quản bánh, kẹo, đặc biệt là bánh kẹo đã xé bao bì không còn túi chống ẩm, bạn nên để chúng trong các túi kín, tốt nhất là túi thiếc. Đối với mứt, bạn nên đựng trong lọ thủy tinh hút chân không để mứt giữ được độ giòn và trạng thái ban đầu. Đối với mứt khô bạn nên phủ thêm một lớp đường trắng lên trên khi cho vào lọ thủy tinh khô. Đối với mứt ướt bạn nên nấu lại nước đường rồi sao lại đến khi mứt khô để có thể bảo quản tốt lâu hơn.

    2. Bảo quản thực phẩm chín

    Chả giò, bánh chưng, bánh tét, thịt đông… đó là những thực phẩm thường tồn đọng nhiều sau Tết. Để tránh nhiệt độ cao làm thực phẩm hư hỏng, mốc, lên men gây hại cho sức khỏe bạn nên bảo quản chúng trong ngăn mát tủ lạnh, bọc kín bằng màng bọc thực phẩm, lưu ý ăn từng nào lấy từng đó, không nên lấy hết ra rồi cho vào lại. Khi ăn đừng quên hâm nóng, chiên, rán lại. Với những thực phẩm đã lên men, hỏng mốc, bạn cần loại bỏ, không nên sử dụng, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe.

    3. Bảo quản thực phẩm đông lạnh (thịt, cá…)

    Do tâm lý sợ thực phẩm đắt đỏ sau Tết nên nhiều bà nội trợ thường mua dự trữ thịt, cá trước Tết. Với thực phẩm đông lạnh, bạn cần lưu ý, chỉ rã đông lượng vừa đủ để ăn, không nên rã đông hết rồi cho vào lại tủ đông vừa làm mất dinh dưỡng vừa khiến thực phẩm không còn ngon. Lưu ý, bạn nên sắp xếp thực phẩm mua trước dùng trước, thực phẩm mua sau dùng sau để đảm bảo thực phẩm luôn tươi ngon.

    4. Bảo quản rau củ quả, trái cây

    Rau củ quả còn thừa sau Tết, bạn nên nhặt lá vàng, lá sâu, úa, dập sau đó để ở nơi thoáng mát, nếu cho vào tủ lạnh cần rửa sạch, để ráo nước, cho vào thùng xốp buộc kín. Đối với trái cây bạn nên bọc bằng túi giấy trước khi cho vào tủ lạnh để giữ được lâu hơn. Các loại nước ép bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, nhất là nếu đã mở nắp.

    5. Bảo quản thực phẩm hữu cơ

    Vì không sử dụng hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng nên thực phẩm hữu cơ thường có “sức đề kháng” tốt hơn, dễ bảo quản hơn so với thực phẩm thường. 

    Đối với thực phẩm tươi sống như thịt, cá, tôm… bạn cần bảo quản trong ngăn đông, hầu hết những thực phẩm này đã được cấp đông sâu nên dễ bảo quản. Khi dùng lấy ra lượng vừa đủ ăn rồi rã đông, không nên rã đông toàn bộ. Đối với rau, củ quả hữu cơ bạn nên bảo quản ở nhiệt độ phòng từ 2-3 ngày, nếu rau héo có thể phun nước, rau sẽ nhanh chóng tươi trở lại. Đừng quên phân loại rau để bảo quản tốt hơn. Nếu bảo quản trong tủ lạnh (có những củ, quả không nên cho vào tủ lạnh) nên hạn chế tình trạng rau ướt, tốt nhất bạn nên giữ nguyên cách thức gói của cửa hàng cung cấp thực phẩm nếu chưa sử dụng. Đối với thực phẩm đã dùng và còn thừa, bạn nên cho vào túi bóng rồi cho vào tủ lạnh.

    Sau Tết tình trạng thực phẩm tồn dư khá nhiều, nếu không biết cách bảo quản chúng sẽ dễ hư hỏng, tiềm ẩn các rủi ro cho sức khỏe. Chính vì vậy, sau Tết bạn cần tổng hợp, phân loại thực phẩm và bảo quản chúng đúng cách, những thực phẩm có dấu hiệu hư hỏng cần được tách riêng, loại bỏ, tránh sử dụng, nhất là thực phẩm không rõ nguồn gốc.