Hướng dẫn cúng ông Công ông Táo: Bài khấn, mâm cỗ, ngày giờ chuẩn nhất 2020
-
Người viết: Nguyễn Ngọc Thương Thùy
/
Các nội dung chính [Ẩn]
Cứ đến 23 tháng Chạp, người Việt lại bày mâm cỗ cúng để tiễn ông Công ông Táo về Trời. Tuy nhiên, đối với các mẹ không rành về những phong tục cổ truyền, lại quá tất bật cho những ngày cuối năm, làm sao để chuẩn bị cho lễ rước ông Công ông Táo được chu đáo và đầy đủ nhất?
Theo các chuyên gia về phong thủy, nghi thức đưa ông Công ông Táo về trời phải được chuẩn bị đầy đủ và đúng theo quy trình bài bản dưới đây mới đảm bảo về mặt lễ nghi, tránh phạm húy cho một năm mới đầy may mắn và tài lộc.
I. Nghi thức đưa ông Công ông Táo về trời cần chú ý những gì?
Cúng ông Công, ông Táo là tín ngưỡng mang ý nghĩa nhân văn của người Việt, hướng con người làm những điều tích cực, sống lương thiện qua tích Táo quân lên chầu trời báo cáo cho Ngọc Hoàng những công việc của gia chủ trong năm vừa qua.
Không chỉ mang nét đẹp về văn hóa dân gian, việc cúng kiếng cũng phải đảm bảo đầy đủ và đúng đắn, nhằm thể hiện thành ý của gia chủ, đồng thời tránh phạm phải đại kỵ khiến cho tài lộc và phước phần của gia đạo vô tình bị suy giảm. Do đó, nghi thức cúng ông Công ông Táo cũng phải cẩn trọng cả về phần Lễ, phần Lộc, và Thời Gian.
1. Lễ vật
Theo đó, để tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời, mỗi gia chủ cần chuẩn bị các lễ vật như sau:
Ba chiếc mũ Táo quân gồm:
2 chiếc mũ cánh chuồn cho ông Công ông Táo
1 chiếc mũ không cánh dành cho bà Táo.
1 bộ tiền vàng
2 bộ quần áo nam, 1 bộ quần áo nữ, 2 đôi hia nam và 1 đôi hia nữa bằng giấy
1 hình cá chép bằng giấy/người miền Bắc sử dụng cá chép sống cho vào chậu để cúng/người miền Trung thường cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ)
Ngoài lễ vật, gia chủ cũng cần chuẩn bị bài văn khấn cẩn thận để khấn khi cúng tiễn ông Công, ông Táo về Trời.
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân. Tín chủ (chúng) con là: _____________________tuổi ________, cùng đồng gia quyến đẳng ______________________________________________________________Ngụ tại: ______________________________________________________________ Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái. Chúng con kính mời ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân hiển linh trước án thụ hưởng lễ vật. Ngài là vị Chủ, Ngũ Tự Gia Thần, soi xét lòng trần, Táo Quân chứng giám. Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm. Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành, cúi xin chứng giám. Bái thỉnh Cửu Thiên Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân, Nhất gia chi Chủ, ngũ tự chi thần; Từ hậu thiệt ư, Bắc đẩu chi trung; Sát thiện ác ư, đông trù chi nội; Tứ Phúc xá tội, di hung hoá cát; An trấn âm dương, bảo hữu gia đình; Hoạ tai tất diệt; Hà phúc tất tăng; Hữu cầu tất ứng, vô cảm bất thông; Đại bi đại nguyện; Đại thánh đại từ; Cửu thiên đông trù, Tư mệnh lô vương; Nguyên hoàng định quốc; Hộ trạch Thiên tôn; Cấp cấp như luật lệnh. Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô A di đà Phật!
Nam mô A di đà Phật!
Nam mô A di đà Phật!
2. Mâm cỗ
Ngoài bộ lễ, các gia đình thường làm thêm mẫm để cúng tiến ông Công ông Táo lên Trời. Tùy thuộc vào vùng miền, gia cảnh, tín ngưỡng mà mâm cỗ cúng ông Công ông Táo sẽ được chuẩn bị cơ bản (hoa quà, giấy vàng) hoặc cầu kỳ, chay hay mặn khác nhau.
Mẹ có thể nắm những món cơ bản của một mâm cỗ cúng ông Công ông Táo truyền thống sau:
1 phần thịt lợn luộc hoặc một con gà luộc ngậm hoa hồng
1 món canh: Canh măng hoặc canh khoai, canh mọc
1 món xào: Rau củ xào thịt lợn/thịt bò
1 dĩa nem rán
1 dĩa xôi hoặc một cái bánh chưng
1 khoanh giò
1 dĩa hoa quả/ 1 dĩa chè (chè kho, chè trôi nước…)
Lễ vật đi kèm: 1 dĩa muối, 1 lọ hoa cúc, 1 dĩa gạo, 1 lọ hoa đào nhỏ, 1 ấm trà, 3 chén rượu, 1 tập tiền, vàng mã, 1 quả cau, 1 lá trầu.
Một số mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo mẹ có thể tham khảo:
II/ Cúng ông Công, ông Táo ngày, giờ nào, ở đâu là tốt nhất?
Ngoài việc chuẩn bị lễ vật, mâm cỗ chu toàn thì ngày, giờ cúng cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Theo các chuyên gia phong thủy, mặc dù lễ cúng Công ông Táo có thể bắt đầu từ tối ngày 22 tháng Chạp cho đến trước 12h ngày 23 tháng Chạp. Tuy nhiên, tốt nhất nên cúng vào ngày 23 tháng Chạp (trước 12 giờ để Táo quân kịp lên gặp Ngọc Hoàng). Về giờ cúng còn tùy thuộc vào tuổi của gia chủ, song hầu mọi người đều ưu tiên cúng vào sáng sớm để tiện thủ tục thả cá.
Đối với khu vực cúng, theo dân gian thì cúng ông Công, ông Táo tốt nhất là cúng ở khu bếp, khi cúng có thể bật bếp để có hơi ấm lan tỏa. Tuy nhiên ngày nay tùy điều kiện mỗi gia đình mà việc lựa chọn cúng ở đâu phù hợp sẽ khác nhau. Một số không có bàn thờ ông Công ông Táo thường thì chỉ thắp hương tại bàn thờ gia tiên. Một số có thể mang một chiếc bàn ra sân để cúng, một số cúng ở phòng khách hoặc hành lang.
Khi đã chuẩn bị đủ lễ vật, mâm cỗ thì người lớn nhất trong nhà sẽ tắm rửa sạch sẽ, súc miệng bằng rượu, rồi làm thủ tục khấn, thắp 9 nén hương và quỳ xuống lễ 9 lễ. Gia chủ cần đợi hương cháy hết ⅓ rồi mới mang vàng mã đi hóa, hóa xong mang cá và tro ra sông thả.
Cúng ông Công ông Táo vốn là tín ngưỡng văn hóa từ ngàn xưa của người Việt, được gìn giữ mỗi khi Tết đến Xuân về. Tuy nhiên, tùy vào từng gia cảnh, mâm lễ vật, cỗ cúng sẽ có sự khác nhau, không nhất thiết phải quá cầu kỳ chỉ cần đủ lễ vật, thực hiện đúng ngày giờ. Đặc biệt, để nét văn hóa này của người Việt thêm đẹp và ý nghĩa, sau khi cúng, thả cá ra ao hồ mỗi người cần có ý thức hơn, không nên thả bao nilon xuống hồ, tốt nhất nên cho cá vào thùng, chậu rồi thả nhé.