Hướng dẫn đầy đủ cách dọn dẹp bàn thờ ngày Tết để tài lộc hanh thông trong năm mới

Hướng dẫn đầy đủ cách dọn dẹp bàn thờ ngày Tết để tài lộc hanh thông trong năm mới

Các nội dung chính [Ẩn]

    Để chuẩn bị chào đón năm mới, kết thúc một năm cũ, các gia đình Việt thường dọn dẹp bàn thờ. Cách dọn như thế nào cho đúng, cho đủ cũng cần có quy trình. Đây cũng là một trong những cách tỏ lòng hiếu kính với ông bà tổ tiên trong dịp Tết.

     

    Ngày Tết đang cận kề, ai cũng muốn sửa sang nhà cửa, trang hoàng không gian sống thật đẹp để đón một năm mới suôn sẻ, nhiều tài lộc và bình an. Trong những ngày cuối năm, một trong những việc quan trọng nhất chính là dọn dẹp bàn thờ, nơi được xem là linh thiêng nhất trong nhà. Để một năm mới gặp nhiều thuận lợi, tránh nhiều điều không may, cách dọn dẹp bàn thờ ngày Tết cũng cần đặc biệt chú ý.

     

    1/ Khi nào nên dọn dẹp bàn thờ

     

    Công việc dọn dẹp bàn thờ thường được tiến hành từ thời điểm tiễn Táo Quân lên chầu trời, tức là ngày 23 tháng Chạp. Mọi người thu xếp thời gian dọn dẹp, lau chùi sạch sẽ không gian ban thờ và bắt đầu mua thêm đồ trang trí để bày biện. Việc dọn bàn thờ có thể thực hiện vào ngày giờ tốt, hoặc những ngày bạn rảnh rỗi nhưng sẽ kết thúc trước thời điểm giao thừa.

     

    2/ Những lưu ý trong quá trình dọn dẹp bàn thờ

     

    Khi dọn dẹp bàn thờ cũng cần đúng quy tắc để tránh phạm phải những lỗi không đáng có.

    - Thắp hương thông báo gia tiên

     

    Trước khi bắt đầu dọn dẹp bàn thờ cần chuẩn bị đĩa hoa quả, thay nước cúng gọn gàng và thắp nén hương với nội dung thông báo xin phép tổ tiên, các bậc bề trên về việc thu dọn bàn thờ. 

     

    Sau khi hương cháy hết, công việc dọn dẹp có thể bắt đầu. Trong thời gian đợi hương tàn, bạn nên chuẩn bị sẵn giấy đỏ để đặt bài vị, nến, đồ trang trí trên bàn thờ để tiện cho việc lau dọn.

     

    - Dùng nước ấm lau bàn thờ

     

    Bàn thờ và bài vị tổ tiên cần được lau bằng nước ấm. Thông thường, bạn nên mua 1 – 2 chiếc khăn mới, sau đó pha nước ấm với một chút gừng để lau. Lau tượng thần Phật trước, lau bài vị tổ tiên sau. 

     

    Nên lau bài vị trước khi dọn bát hương. Không nên rút chân hương và đổ hết tro ra ngoài. Nên dùng thìa nhỏ xúc từng thìa đổ ra ngoài rồi rửa sạch bát hương. Sau khi bát hương khô, đốt 7 tờ tiền vàng hơ quanh bát hương thần Phật và 3 tờ tiền vàng hơ quanh bát hương tổ tiên.

     

    - Lau dọn từ trên cao xuống thấp

     

    Khi lau dọn không chỉ cần dùng các loại khăn sạch mà còn chuẩn bị chổi mới. Khi hạ bát hương, bài vị và các đồ  thờ cúng phải thực hiện bằng hai tay. Khi hạ xuống nơi sạch sẽ đã chuẩn bị trước cần chú ý sắp xếp cẩn thận, không để lẫn lộn. Cần quét bụi bặm từ trên cao xuống thấp. Đầu tiên nên lau các bức tượng bằng khăn mềm, tượng đồng nên lau bằng ruọi để tránh han gỉ, xỉn màu.

     

    - Đặt lại đồ thờ cúng

     

    Sau khi đã hoàn tất các bước lau dọn, bạn tiếp tục đặt lại đồ thờ cúng, thay nước, khấn xin thỉnh các Ngài về, báo cáo đã xong việc.

     

    - Lưu ý dọn dẹp bàn thờ Phật

     

    Với bàn thờ Phật, có tượng Phật, ảnh Phật, không dùng rượu để lau mà dùng khăn thấm nước sạch đã được ngâm cánh hoa hồng vàng để lau. Nếu không có thì có thể dùng nước ngũ vị hương hoặc nước trắng bình thường. 

     

    3/ Những điều nên tránh khi dọn dẹp bàn thờ ngày Tết

     

    Ngoài những lưu ý cần thiết trong suốt quá trình dọn dẹp, bạn nên tránh những việc không nên làm:

     

    - Tránh không làm đổ vỡ đồ thờ. Những đồ vật linh thiêng, thờ cúng cần được cẩn trọng và giữ gìn. Vì thế, quá trình dọn dẹp cần tỏ lòng thành kính, trang nghiêm.

    - Bát hương là nơi quan trọng nhất trên bàn thơ. Bát hương chính là nơi dẫn dắt hương linh thần thánh, tổ tiên chứng giám cho gia đình. Vì thế, khi lau dọn tránh việc xê dịch bát hương quá nhiều.

    - Tránh việc đổ vứt hết chân hương của năm cũ mà nên rút từ từ. Để lại 5 chân hương trong bát hương.

    - Trong trường hợp bàn thờ đặt chung bài vị gia tiên với các thần, cần để bài vị hai chỗ khác nhau, tránh để lẫn lộn.