Mẹ cho bé ăn gì để tăng cường sức đề kháng trong mùa dịch Corona?

Mẹ cho bé ăn gì để tăng cường sức đề kháng trong mùa dịch Corona?

Các nội dung chính [Ẩn]

    So với người lớn, hệ miễn dịch của trẻ em thường yếu hơn. Do đó, song song với việc trang bị các biện pháp bảo vệ từ bên ngoài, các mẹ đừng quên bổ sung chế độ ăn uống để tăng cường sức đề kháng cho trẻ, giúp bé có đủ sức khỏe để phòng dịch bệnh hiệu quả hơn nhé!

    1. Để tăng cường miễn dịch, đầu tiên bé cần được ăn đủ chất

    Không ít người quan niệm rằng, trong mùa dịch bệnh nên tránh ăn thịt vì sợ lây bệnh từ động vật. Tuy nhiên, quan niệm này hoàn toàn sai, đặc biệt là với chế độ dinh dưỡng của trẻ em, chúng cần được cung cấp nhiều dưỡng chất để cơ thể phát triển khỏe mạnh. Vậy nên, mẹ cần lưu ý rằng, muốn tăng cường hệ miễn dịch, đầu tiên cần đảm bảo một chế độ ăn uống đủ chất cho bé.

     

    Các nhà dinh dưỡng cho rằng, ngoài cung cấp protein thì kẽm trong các loại thịt như thịt bò, thịt nghêu giúp cho hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động tốt hơn, phòng chống bệnh cúm hiệu quả. Thay vì không ăn thịt, mẹ nên tìm mua thịt, cá từ những nguồn đảm bảo an toàn. Nên đa dạng các nguồn cung cấp đạm dễ tiêu như các loại đậu, sữa, trứng, các loại rau củ quả, trái cây (bông cải xanh, rau bina, ngô, khoai tây, bơ, dừa, chuối…). Lưu ý toàn bộ thực phẩm cần được đảm bảo nguồn gốc. Mẹ có thể tự nấu cơm chuẩn bị cho con mang đến trường nếu không chắc chắn chất lượng đồ ăn tại trường học.

     

    2. Tăng cường trái cây, rau củ quả trong chế độ ăn hằng ngày của trẻ

    Một chế độ ăn uống tăng cường rau xanh, trái cây sẽ giúp cơ thể của trẻ phát triển khỏe mạnh, ngăn ngừa các bệnh tật. Chẳng những thế, nguồn thực phẩm giàu vitamin và các chất chống oxy hóa tuyệt vời này còn được xem là bí kíp hữu hiệu để tăng cường hệ miễn dịch, đặc biệt trong mùa dịch bệnh, cảm cúm như hiện nay.

     

    Mẹ cần đa dạng các loại rau củ quả trong chế độ ăn của trẻ, có thể ưu tiên các thực phẩm như rau bó xôi, súp lơ xanh, các loại rau cải, bí đỏ… Các loại nấm cũng được xem là vũ khí giúp phòng ngừa cảm cúm hiệu quả. Cụ thể, trong nấm chứa acid béo không bão hòa chuyển hóa thành vitamin D giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Tuy nhiên, với nấm mẹ cần đặc biệt thận trọng, cần tìm mua nấm tại các nguồn đảm bảo, nấm đạt tiêu chuẩn hữu cơ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Đối với trái cây, mẹ nên ưu tiên các loại quả giàu vitamin C như cam, ổi, kiwi, táo, ớt chuông, quýt, bưởi... chúng có tác dụng chống lại cảm cúm hiệu quả, rút ngắn thời gian cơ thể bị nhiễm bệnh và ngăn ngừa bệnh tật.

     

    3. Bổ sung gừng, tỏi - gia vị tốt cho hệ hô hấp

    Các nhà khoa học kết luận rằng virus Corona lây nhiễm qua ho, hắc xì và qua tay, chủ yếu là qua đường hô hấp. Chính vì vậy, bên cạnh việc đeo khẩu trang cho trẻ cẩn thận mỗi khi ra đường, đến nơi đông người thì mẹ đừng quên bổ sung một số loại thực phẩm, đặc biệt là những gia vị tốt cho hệ hô hấp điển hình như gừng và tỏi.

     

    Các nhà nghiên cứu tiết lộ rằng gừng và tỏi tươi là 2 loại gia vị có khả năng chống sự tấn công của virus tốt nhất cũng như ngăn ngừa sự xâm nhập của các loại vi sinh vật khác. Do đó, mẹ có thể bổ sung tỏi và gừng trong thực đơn của bé bằng cách kết hợp vào các món ăn để bé dễ sử dụng hơn.

     

    4. Cho trẻ uống đủ nước

    Ngoài các thực phẩm, mẹ cần chú ý cho bé uống đủ nước bao gồm nước lọc, nước ép trái cây như nước cam. Hạn chế cho bé sử dụng các loại nước có gas, nước đóng chai, có caffein, cồn không tốt cho sức khỏe. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, nếu bé có dấu hiệu táo bón thì mẹ cần bổ sung từ 100-200ml nước/ngày. Đối với trẻ 6-12 tháng tuổi mẹ cần 100ml/1kg cân nặng của cơ thể, ví dụ trẻ nặng 8kg thì cần 800ml nước kể cả sữa. Với trẻ trên 1 tuổi, nếu trên 10kg thì cần thêm 50ml cho mỗi kg/ngày. Với bé 10 tuổi trở lên thì lượng nước cần mỗi ngày tương đương với người lớn, khoảng 2-2.5 lít.

     

    5. Thực phẩm cần tươi ngon và đảm bảo an toàn, vệ sinh khi chế biến.

    Thực phẩm chế biến cho trẻ không chỉ cần đáp ứng tiêu chí tươi ngon mà quan trọng hơn là cần bảo đảm nguồn gốc. Mẹ cần chú ý tìm mua thực phẩm tại các cửa hàng hữu cơ, thực phẩm sạch thay vì mua tại các chợ hay lề đường. Để an tâm mẹ nên đọc kỹ nhãn mác, hạn sử dụng, check mã vạch để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

     

    Bên cạnh việc lựa chọn nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn, mẹ cũng cần chú ý đến cách thức chế biến làm sao để vừa giữ được dinh dưỡng vừa đảm bảo vệ sinh, tránh lây nhiễm vi khuẩn. Theo đó mẹ cần ưu tiên các món hấp, luộc, nướng thay vì chiên xào, cho bé ăn các món đã được nấu chín, tránh các món ăn sống. Trái cây, rau, củ quả mẹ nên ngâm nước muối, rửa sạch trước khi cho bé sử dụng. Trước khi chế biến thực phẩm mẹ đừng quên vệ sinh tay sạch sẽ, rửa dụng cụ nấu nướng kỹ càng để đảm bảo an toàn.

     

    Ngoài chế độ ăn uống, mẹ cần chú ý theo dõi sức khỏe của bé. Nếu bé có dấu hiệu sốt mẹ cần đưa đến gặp bác sĩ ngay để được hỗ trợ sớm nhất. Hiện tại để ngừa dịch bệnh, nhiều trường học trong cả nước cho các học sinh nghỉ học nhằm đảm bảo an toàn. Trong thời gian này mẹ cần chú ý vệ sinh tay cho bé, trang bị các biện pháp bảo vệ cũng như tăng cường sức đề kháng cho bé bằng chế độ ăn uống. Khi bé đi học trở lại, mẹ nên chú ý đến thực đơn của trẻ, có thể tự chuẩn bị để đảm bảo an toàn. Hạn chế cho bé sử dụng chung đũa, muỗng với các bé khác… Hy vọng với những chia sẻ trên sẽ phần nào mang đến những thông tin hữu ích cho các chị em, đặc biệt là những ai đang có con nhỏ để bảo vệ tốt hơn sức khỏe của con em trong mùa dịch bệnh.