Người bệnh tiểu đường nên ăn gì và không nên ăn gì?

Người bệnh tiểu đường nên ăn gì và không nên ăn gì?

Các nội dung chính [Ẩn]

    Hơn ai hết người tiểu đường cần biết bản thân nên ăn gì và không nên ăn gì để chủ động kiểm soát lượng đường huyết, hỗ trợ điều trị bệnh cũng như giảm thiểu nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm. 

    1. Bạn đang bị tiểu đường loại 1, 2 hay tiểu đường thai kỳ?

    Bệnh tiểu đường hay còn được gọi là đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa carbohydrate khiến lượng đường trong máu luôn ở mức cao.

    Cụ thể, sau khi ăn, lượng carbohydrate từ thức ăn sẽ chuyển hóa thành đường glucose, loại đường này được hấp thụ tại ruột và hòa tan vào máu. Lúc này tuyến tụy sẽ tiết ra một loại hormone gọi là insulin có tác dụng đưa glucose vào các tế bào để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Nếu như khả năng hoạt động của insulin có vấn đề hoặc lượng đường glucose trong cơ thể tăng lên quá mức khiến insulin không xử lý tốt, lúc này lượng đường không chuyển hóa sẽ bị thừa trong máu, khi lượng đường thừa này vượt quá mức cho phép sẽ gây ra bệnh tiểu đường.

     

    Bệnh tiểu đường được chia thành 2 thể chính là tuýp 1, tuýp 2 và 1 thể chỉ xảy ra ở phụ nữ mang thai. Tương ứng với mỗi loại tiểu đường, đối tượng mắc phải và việc điều trị cũng sẽ khác nhau. 

    • Tiểu đường tuýp 1 thường gặp ở người trẻ tuổi, triệu chứng xảy ra đột ngột và tiến triển nhanh. Loại này chủ yếu do di truyền và các tác nhân môi trường. Nếu mẹ hoặc anh/chị bạn bị tiểu đường thì nguy cơ cao bạn cũng sẽ mắc bệnh tiểu đường.

    • Tiểu đường tuýp 2 thường gặp ở những người trên 40 tuổi và đang có xu hướng trẻ hóa, triệu chứng của bệnh khó phát hiện hơn so với tiểu đường tuýp 1.

    • Tiểu đường thai kỳ: Thường thì tiểu đường thai kỳ sẽ hết sau khi sinh con,tuy nhiên nếu không kiểm soát tốt lượng đường, bệnh có thể gây ra các tác động xấu, ảnh hưởng đến thai nhi.

     

    Dù khác thể nhưng nhìn chung các triệu chứng điển hình của bệnh tiểu đường sẽ gồm tiểu nhiều, cảm giác khát uống nhiều nước, nhanh đói nên kích thích ăn nhiều, sút cân nhanh, người xanh xao.. một số biểu hiện khác như buồn nôn, mờ mắt, khô miệng, chậm lành vết loét…

     

    2. Biến chứng tiểu đường nguy hiểm như thế nào?

    Biến chứng tiểu đường xảy ra khi bệnh để lâu không điều trị khiến việc kiểm soát lượng đường trong máu trở nên khó khăn. Các biến chứng tiểu đường thường xảy ra đối với người bệnh là:

     

    • Bệnh tim mạch: So với người bình thường thì người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch như đau tim, xơ vữa động mạch, đột quỵ cao hơn gấp nhiều lần.

    • Tổn thương thần kinh: Khi lượng đường trong máu dư thừa sẽ làm tổn thương các mạch máu nhỏ nuôi dưỡng dây thần kinh. Lúc này người bệnh sẽ cảm thấy ngứa, tê, đau ở đầu ngón tay hoặc ngón chân và ngày càng lan rộng. Nếu kéo dài người có thể bị mất cảm giác. Chưa kể các dây thần kinh bị tổn thương ở hệ tiêu hóa gây nôn mửa, tiêu chảy, táo bón…

    • Suy thận: Bệnh đái tháo đường gây tổn thương nghiêm trọng đến thận, có thể gây suy thận, ở giai đoạn cuối phải chạy thận.

    • Tổn thương mắt: Mạch máu võng mạc bị tổn thương khi mắc bệnh tiểu đường, làm giảm khả năng thị lực, tăng nguy cơ đục thủy tinh thể, bệnh tăng nhãn áp…

    • Bệnh Alzheimer: Người tiểu đường tuýp 2 có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao.

     

    Đối với phụ nữ mang thai, nếu không kiểm soát tốt lượng đường sẽ dễ gây ra các biến chứng nghiêm trọng như:

    • Tiền sản giật với các biểu hiện huyết áp cao, sưng chân 

    • Thai nhi phát triển nhanh hơn so với tuổi, có nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2

    • Trẻ có thể tử vong trước hoặc sau khi sinh nếu mẹ không điều trị tiểu đường

    • Chị em có nguy cơ mắc bệnh lý này trong lần mang thai tiếp theo, đồng thời khi về già cơ thể dễ mắc bệnh tiểu đường.

     

    3. Người bệnh tiểu đường nên ăn gì và không nên ăn gì?

    Để kiểm soát tốt lượng đường huyết, giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng, người bệnh tiểu đường cần biết nên ăn gì và không nên ăn gì, từ đó xây dựng thực đơn vừa dinh dưỡng vừa khoa học.

     

    Người tiểu đường nên ăn gì?

    Theo các chuyên gia thì những thực phẩm tốt cho bệnh tiểu đường gồm:

    • Nhóm đường bột: Ngũ cốc nguyên hạt, đậu đỗ, gạo còn vỏ cám, rau củ… được chế biến ở dạng hấp, luộc, nướng, hạn chế tối đa xào, rán. Đối với các loại khoai sắn nếu ăn thì cần giảm hoặc cắt cơm.

    • Nhóm thịt, cá: Mỗi ngày nên ăn 30g cá, chúng sẽ giúp bổ sung omega-3 để hạn chế tăng huyết áp, giảm 50% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra người tiểu đường nên ăn thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da, lọc mỡ, các loại đậu đỗ bằng cách hấp, luộc, áp chảo để bớt mỡ.

    • Nhóm chất béo, đường: Thực phẩm có chất béo không bão hòa được ưu tiên trong chế độ ăn của người tiểu đường là dầu đậu nành, vừng, dầu cá, mỡ cá, olive…

    • Nhóm rau: Người tiểu đường nên ăn nhiều rau chế biến đơn giản như ăn sống, salad, hấp, luộc, trộn, hạn chế sử dụng các loại sốt có chất béo.

    • Đậu nành: Protein và cholesterol trong đậu nành có khả năng cải thiện chức năng thận, giảm nguy cơ mắc bệnh thận, tim ở người tiểu đường.

    • Các loại hạt: Các loại hạt bổ sung chất béo và chất đạm, đánh thức enzyme và chất dinh dưỡng trong cơ thể bệnh nhân gồm hạnh nhân, hạt óc chó, hạt điều… 

    • Hoa quả: Ăn trái cây tươi ít đường, tránh để thêm kem, sữa, tránh ăn các loại trái cây quá chín ngọt như sầu riêng, hồng, xoài…

     

    Người tiểu đường nên kiêng ăn gì?

    Để quá trình điều trị đạt kết quả tốt nhất, người bệnh tiểu đường cần hạn chế các loại thực phẩm sau: 

    • Tinh bột: gạo trắng, bánh mì, miến, bột sắn dây, các loại củ nướng

    • Thức ăn nhanh

    • Thịt mỡ, phủ tạng động vật, da của gia cầm, kem tươi, dầu dừa, các loại bánh kẹo ngọt, mứt, siro

    • Nước ngọt có gas

    • Hoa quả sấy khô, mứt hoa quả

    Gợi ý thực đơn bữa trưa cho người tiểu đường:

    • Menu 1: 1 chén cơm gạo lứt + ức gà nướng + salad rau, cà chua bi với dầu oliu.

    • Menu 2: 1 chén cơm gạo lứt + bông cải luộc + cá nướng + súp bí đỏ

    • Menu 3:  1 chén cơm trắng + canh rau mồng tơi nấu tôm + thịt luộc chấm tương

    • Menu 3: 1 phần ức gà nướng + khoai lang luộc + salad rau

    • Menu 4: 1 chén đậu đen hấp + sữa hạnh nhân + cá hồi nướng

    • Menu 5: Phở gạo lứt nấu bò + bánh mì ngũ cốc + thanh long ruột đỏ

     

    Gợi ý thực đơn bữa tối cho người tiểu đường:

    • Menu 1: 1 phần ức gà nướng + bánh mì ngũ cốc nguyên hạt +  ½ chén khoai lang nướng + 1 chén salad

    • Menu 2: 1 chén cơm gạo lứt + tôm nướng + canh rau nấu thịt nạc + trái cây ít đường (thanh long ruột đỏ, táo, ổi, bơ, kiwi, dâu tây…)

    • Menu 3: 1 chén cơm diêm mạch thập cẩm + cá hồi áp chảo + canh kimchi + trái cây ít đường

    • Menu 4: Cháo yến mạch nấu tôm + ngô luộc + salad

    • Menu 5: Miến nấu gà (mỗi tuần mẹ có thể ăn 1-2 bữa miến và cơm trắng) + khoai lang + salad tôm…

     

    Giải đáp một số thắc mắc về chế độ ăn uống của người tiểu đường

    Xung quanh chế độ dinh dưỡng của người tiểu đường có rất nhiều thắc mắc, Organica sẽ giúp các bạn giải đáp rõ hơn.

     

    • Tiểu đường có uống nước dừa được không?

    Nước dừa ngọt và làm tăng đường huyết, do đó nó không nằm trong danh sách thức uống được khuyến khích. Tuy nhiên nếu bạn kiểm soát đường huyết, thỉnh thoảng vẫn có thể uống cho đỡ thèm, miễn đừng uống thường xuyên là được.

    • Tiểu đường có ăn chuối được không?

    Chuối cung cấp chất xơ, kali, vitamin B6, C là một chọn lựa phù hợp cho người tiểu đường. Tuy nhiên khi ăn người bệnh nên chú ý đến độ chín, không nên ăn chuối quá chín và chú ý là chỉ ăn chuối với lượng vừa đủ. Mẹo là bạn có thể ăn chuối với sữa chua, các loại hạt để làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thu đường.

    • Tiểu đường ăn quả bơ được không?

    Nếu bạn bị tiểu đường tuýp 2 thì bơ là một chọn lựa vì chúng có lượng carbohydrates thấp và lượng chất xơ cao. Tuy nhiên bạn chỉ nên ăn với lượng vừa phải, tốt nhất nên ăn kèm bơ với các loại thực phẩm khác như làm salad, phết lên bánh mì.

    • Tiểu đường ăn táo được không?

    Táo có chứa carbs, có thể làm tăng lượng đường huyết, tuy nhiên chất xơ có trong táo giúp ổn định đường máu. Để kiểm soát tốt đường huyết, người tiểu đường nên ăn toàn bộ, hạn chế uống nước ép, mỗi ngày chỉ nên ăn 1 quả.

    • Tiểu đường có ăn cam, quýt được không?

    Cam, quýt là lựa chọn tốt cho người tiểu đường, tuy nhiên không nên ăn quá nhiều, mỗi ngày chỉ nên uống từ 1-2 ly, tốt nhất là ăn thay vì uống.

     

    4. Thói quen giúp bạn kiểm soát tiểu đường dễ dàng 

    Bên cạnh chế độ ăn uống, để kiểm soát chỉ số đường huyết, người tiểu đường cần tuân thủ và duy trì các thói quen tốt cho sức khỏe hằng ngày chẳng hạn.

    • Tập thể dục thường xuyên

    ​​​​​​​

    Người bệnh nên dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để vận động, có thể đi bộ, đạp xe hay chơi các trò chơi hành động bổ ích. Khi vận động ra mồ hôi nhiều sẽ giảm được mức đường huyết, kiểm soát tiểu đường tốt hơn.

    • Kiểm tra sức khỏe định kỳ

    Cứ 6 tháng/lần, bệnh nhân tiểu đường nên đi khám sức khỏe định kỳ để theo dõi lượng cholesterol, huyết áp đồng thời phát hiện sớm các biến chứng của bệnh nếu có.

    • Giải tỏa căng thẳng

    Căng thẳng làm lượng đường trong máu tăng lên, do đó người bệnh nên hạn chế áp lực, nếu có cần giải tỏa căng thẳng. 

    • Không hút thuốc

    Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc các bệnh do biến chứng tiểu đường gây ra, do đó tốt nhất người tiểu đường không nên hút thuốc.

    • Uống nhiều nước 

    Người tiểu đường có nguy cơ mất nước cao, do đó mức độ glucose trong máu cao. Vậy nên một trong những thói quen người tiểu đường cần chú ý là uống nhiều nước, nhất là vào mùa hè. 

    • Lựa chọn thực phẩm hữu cơ

    Thực phẩm hữu cơ là lựa chọn lý tưởng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tránh các tác động từ hóa chất, thuốc trừ sâu trong thực phẩm. Bên cạnh đó, việc lựa chọn thực phẩm hữu cơ sẽ giúp các món ăn của người bệnh tăng thêm hương vị, nhất là khi chế biến ở dạng salad, trộn, luộc, hấp…


     

    Tiểu đường là một trong những căn bệnh chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi chế độ ăn uống hằng ngày. Do đó người bệnh cần chủ động nắm thông tin nên ăn gì và không nên ăn gì để kiểm soát tốt lượng đường huyết và hạn chế các biến chứng nguy hiểm. Hy vọng với những chia sẻ trên của Organica, bạn đã có cho mình các kiến thức cần thiết về chế độ ăn uống của bệnh tiểu đường.